Lựa chọn dầu ăn tốt nhất cho sức khỏe bạn và gia đình
21/02/2020
21/02/2020 14:06 PM
Không ít người loại bỏ các món chiên xào khỏi thực đơn hàng ngày vì quan niệm dầu mỡ gây nguy hại cho sức khỏe và hệ tim mạch. Thế nhưng bạn hãy thử tưởng tượng nếu mỗi bữa ăn chúng ta chỉ quanh đi quẩn lại với món rau nấu, thịt luộc sẽ thật nhàm chán biết bao phải không? Dầu ăn không xấu nếu như bạn biết chọn lựa đúng loại và sử dụng đúng cách.
Truyền thông vẫn hay ca ngợi dầu hướng dương và dầu đậu nành là tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tim mạch. Thực tế, những loại dầu hạt này lại không tốt như những gì bạn nghĩ. Cũng có thể đó là thông điệp truyền thông, cũng có thể đó là những thông tin xưa cũ chưa được cập nhật, nhưng dù lý do là gì, vô hình chung cũng khiến người tiêu dùng lầm tưởng về tác dụng thực sự của các loại dầu ăn này.
Trước khi giới thiệu cụ thể từng loại, chúng tôi muốn bạn có thể hiểu rõ hơn những tiêu chí đánh giá loại dầu nào là tốt, loại dầu nào không để có cái nhìn trực quan nhất khi lựa chọn sản phẩm dầu ăn cho gia đình.
Cách lựa chọn dầu ăn
Bạn còn nhớ ở bài Sai lầm khi kiêng chất béo để giảm cân, chúng tôi đã từng giới thiệu đến bạn chất béo cơ thể không thể tự hấp thụ là Omega 3 và Omega 6 không? Đây chính là yếu tố trực tiếp quyết định tới lựa chọn dầu ăn đấy bạn ạ.
Dù chức năng của 2 loại dầu đối lập nhau, cụ thể omega 3 giúp kháng viêm còn omega 6 làm tăng viêm, cơ thể chúng ta vẫn cần cả 2 loại nhưng ở một mức độ phù hợp. Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, nếu bạn muốn duy trì cơ thể khỏe mạnh thì tỉ lệ omega 6/omega 3 chỉ nên ở mức 2:1 và tối đa là 8:1. Nếu chúng ta ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm cộng nghiệp chế biến sẵn như bimbim, mì gói, tỉ lệ này có thể dễ dàng bị phá vỡ, lên đến 10:1, thậm chí là 20:1.
Khi cơ thể bạn thường xuyên hấp thụ nhiều omega 6 hơn so với omega 3, khả năng dẫn đến những bệnh mãn tính thời nay như bệnh tim mạch, tiểu đường, Alzheimer, và nhiều loại ung thư khác nhau sẽ tăng lên đáng kể. Ngược lại, nếu ăn vào tỉ lệ omega 6/omega 3 lành mạnh với chú trọng vào hàm lượng omega 3, (tỉ lệ 2:1 đến 8:1 cho omega 6/omega 3), thì có thể giảm viêm nhiễm và rủi ro các bệnh tật trên.
Do đó khi chọn dầu ăn, hãy lựa những loại có hàm lượng omega 6 thấp nhất có thể và tránh những sản phẩm chứa omega 6 cao bạn nhé!
Những loại dầu ăn có lợi nên sử dụng là gì?
Dựa theo tiêu chí trên, dưới đây là những sản phẩm dầu quen thuộc tốt nhất mà chúng tôi nghĩ bạn có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
- Dầu dừa: Một thời gian dài, dầu dừa mang tiếng xấu với sức khỏe tim mạch bởi hàm lượng chất bẽo bão hòa rất cao, chiếm tới 90%. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã không chỉ ra được được mối liên hệ nào về tác hại của dầu dừa tới sức khỏe. Thậm chí, nó còn đứng đầu danh sách các loại dầu thực vật tốt nhất nhờ tác dụng cải thiện cholesterol xấu trong máu, giúp chúng ta no hơn và tăng khả năng đốt năng đốt năng lượng của cơ thể. Tới đây, bạn có thể sẽ nghi hoặc đôi chút về việc sử dụng dầu dừa trong nấu ăn bởi xưa nay, chúng ta vốn chỉ quen thuộc loại dầu này trong lĩnh vực làm đẹp. Đừng lo! Điểm khói của dầu dừa rất cao đấy bạn ạ.Vậy nên hãy thoải mái chọn mua các loại dầu dừa tinh khiết, dầu dừa hữu cơ và yên tâm sử dụng trong các món chiên xào ở nhiệt độ cao nhé.
(Ảnh: nguồn Internet)
- Bơ từ sữa bò, tóp mỡ: Tương tự như dầu dừa, dù bơ hoặc tóp mỡ có hàm lượng mỡ bão hoà rất cao khoảng 70%, nhưng bù lại có hàm lượng omega 6 rất thấp. Quan sát thói quen ăn uống của người Pháp, bạn có thể thấy họ tiêu thụ rất nhiều bơ nhưng lại chẳng hề béo phì. Đó là bởi bên cạnh các vitamin A,E,K2 rất tốt cho sức khỏe, bơ nguyên chất từ bò ăn cỏ còn chứa axit béo, thuận lợi cho việc đốt mỡ vô cùng. Do vậy, bơ từ sữa bò và tóp mỡ chính là nguồn chất béo lành mạnh nếu bạn sử dụng đúng cách – tối đa 1 thìa cho 1 lần nấu nướng thôi bạn nhé.
- Dầu ô liu: Hy Lạp trong những năm gần đây được thống kê là quốc gia ăn lành mạnh nhất, chính bởi việc sử dụng dầu ô liu trong các bữa ăn hàng ngày. Dầu ô liu có khả năng giúp bạn giảm cân, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giảm tiến trình lão hóa và còn cung cấp cho cơ thể bạn một nguồn năng lượng lành mạnh. Đó cũng là lý do mà hầu hết các bữa ăn Fit & Yum xây dựng cho bạn đều tin dùng nguyên liệu này. Từ những món trộn salad, món chiên, xào, áp chảo đến món cháo, súp; từ những món chế biến ở nhiệt độ thường tới những món đòi hỏi nấu nướng ở nhiệt độ cao - chẳng cần nói đâu xa, bạn chỉ cần tham khảo kế hoạch ăn uống lành mạnh trong 7 ngày chúng tôi xây dựng, Fit & Yum tin chắc bạn sẽ hình dung ngay được dầu ô liu có thể sử dụng trong nấu ăn một cách linh hoạt đến nhường nào.
Dầu ô liu bổ dưỡng là vậy nhưng không phải cứ ra siêu thị mua đại một chai về dùng là được. Lướt qua dãy bán hàng, bạn có thể bắt gặp dăm bảy thương hiệu dầu ô liu các loại. Vậy loại nào mới thực sự tốt? Nếu bạn đang bối rối với việc chọn mua dầu oliu thì lời khuyên của Fit & Yum là hãy chú ý bao bì sản phẩm và lựa những loại tinh khiết hoặc có gắn mác extra virgin. Với những sản phẩm pha tạp các loại dầu khác hay dầu ép (Pomance Olive Oil), bạn không nên sử dụng chút nào bởi chúng không còn nhiều dinh dưỡng và đã qua chế biến công nghiệp cao rồi. Ngoài ra, hãy lựa mua những chai bé để dầu oliu không bị oxy hóa theo thời gian và mất đi những dưỡng chất vốn có nhé.
(Ảnh: nguồn Internet)
- Dầu quả bơ: Dầu bơ có cấu tạo tương tự dầu ô liu, và là một lựa chọn tuyệt vời cho nấu ăn hoặc trộn salad. Tuy nhiên, giá thành dầu quả bơ khá cao nên không phải ai cũng mua được.
- Dầu hạt cải: Dù được coi là loại dầu lành mạnh vì hàm lượng omega 6 thấp và tỉ lệ omega 6:omega 3 là 2:1 ở mức rất cân bằng, nhưng đến nay việc ăn dầu hạt cải vẫn gây tranh cãi. Đó là bởi quá trình tinh chế dầu hạt cải phải trải qua nhiều bước công nghiệp và sử dụng hoá chất xúc tác không tốt . Bạn vẫn có thể sử dụng dầu hạt cải nhưng chỉ rất ít thôi nhé. Thay vào đó, 4 loại dầu chúng tôi kể trên sẽ tối ưu hơn cả bạn ạ.
Chúng ta nên hạn chế những loại dầu ăn nào?
Như Fit & Yum đã đề cập đến bạn ở phía trên, không phải loại dầu ăn nào cũng tốt, ví như dầu hướng dương hay dầu đậu nành mà người Việt đã quen dùng. Trong đó, chúng ta nên hạn chế các loại:
- Tất cả các loại dầu thực vật và dầu ép từ hạt: Nếu gia đình bạn đang sử dụng dầu hạt hướng dương, dầu đậu nành, dầu ngô, hay dầu mè, dầu gạo trong nấu nướng thì những thông tin sau đây của chúng tôi có thể sẽ khiến bạn bất ngờ. Những loại dầu thực vật, dầu ép từ hạt này không thực sự tốt cho sức khỏe như những gì quảng cáo hay các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Những nghiên cứu dinh dưỡng mới đây đã chứng minh việc sử dụng nhiều các loại dầu này có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch. Do vậy, nếu bạn thường xuyên ăn ngoài, quen thuộc với các món đồ ăn nhanh hay đặc biệt yêu thích các món chiên ngập dầu nhóm này, nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh lý liên quan đến tim mạch và ung thư ở tuổi trung niên sẽ cao hơn cả.
(Ảnh: nguồn Internet)
- Dầu lạc: Dù dầu lạc không hẳn là dầu hạt với hàm lượng omega 6 cao, nhưng nếu dùng để xào nấu, chiên rán không đúng cách, rất dễ gây hại cho sức khỏe. Ở nhiệt độ cao, các axit béo “không no” trong dầu lạc sẽ phản ứng với nhiệt và trở thành những gốc tự do gây phá hoại tế bào và tăng nguy cơ ung thư.
Qua đây, chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể lựa chọn loại dầu phù hợp với nhu cầu và điều kiện của gia đình mình. Tuy nhiên có một điều chúng tôi nghĩ bạn cần lưu ý rằng loại dầu nào cũng vậy, dù ít hay nhiều, cũng đều chứa calo và chất béo cao. Vì thế khi chế biến các món đậu rán, gà nướng hay rau củ xào thịt bò, bạn chỉ nên giới hạn trong 1 thìa ăn để tránh tình trạng thừa mỡ. Hoặc bạn cũng có thể tham khảo các công thức nấu ăn chi tiết của Fit & Yum để làm chủ những bữa ăn lành mạnh cho mình và cho cả những người thân yêu trong gia đình. Hãy đăng ký ứng dụng Fit & Yum tại đây ngay hôm nay nhé!
Nguồn : coppy Internet !